Bị tê đầu ngón tay là triệu chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, làm khó chịu cho bệnh nhân và gây giảm chất lượng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Hiện tượng tê đầu ngón tay
Các triệu chứng tê rần ở vùng đầu ngón tay, thường là ngón cái hay ngón trỏ. Bệnh nhân cảm giác như bị kim châm hay kiến cắn vào các đầu ngón tay. Bệnh có thể diễn tiến ngày một tăng dần, chuyển dần lên cổ tay, cánh tay, vai. Hay có thể diễn tiến từng đợt, bệnh tự hết và tái phát lại.
Cảnh báo khi ở đầu ngón tay bị tê liên tục tăng dần và có biểu hiện yếu các ngón tay hay cả cánh tay. Đây là dấu hiệu gợi ý cần được can thiệp điều trị sớm.
Nguyên nhân gây tê đầu ngón tay?
Triệu chứng tê đầu ngón tay có thể do sinh lý hay bệnh lý. Sinh lý sẽ không cần điều trị gì, bệnh sẽ tự khỏi. Nhưng do bệnh lý thì cần phải điều trị. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau.
Bị tê đầu ngón tay là bệnh gì? là câu hỏi thường gặp khiến người bệnh lo lắng. Dưới đây là 5 nguyên nhân thường gặp của bệnh tê đầu ngón tay
5 nguyên nhân thường gặp của bệnh tê đầu ngón tay
Bệnh thần kinh ngoại biên
Hệ thần kinh chia thành hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh trung ương gồm não bộ và tuỷ sống. Hệ thần kinh ngoại biên là phần còn lại của hệ thần kinh.
Thần kinh ngoại biên thường ý chỉ nói đến các dây thần kinh nằm ở tay hay chân. Nối từ não bộ ( các dây thần kinh sọ) hay từ tuỷ sống ra ngoại vi tay chân. Bệnh của các sợi thần kinh này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên.
Bệnh thần kinh ngoại biên có thể một sợi hay nhiều sợi, ở một bên hay đối xứng 2 bên. Các tổn thương sợi thần kinh ở tay là thường xảy ra nhất. Đó chính là nguyên nhân gây tê ở các đầu ngón tay.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh các sợi dây thần kinh ngoại biên này có thể do chèn ép của các cấu trúc lân cận vào nó. Hoặc có thể do bệnh hệ thống của toàn cơ thể như bệnh thiếu Vitamin B12 (do uống nhiều bia rượu), tiểu đường (đái tháo đường).
- Tê đầu ngón tay do tiểu đường cơ chế ra sao?
Bệnh đái tháo đường là do càng lớn tuổi khả năng kiểm soát đường huyết càng kém. Do tuỵ không còn sản xuất Insulin tốt như trước nữa. Nồng độ glucose trong máu cao gây hại đến các dây thần kinh dẫn đến hiện tượng tê các đầu ngón tay bàn tay. Việc điều trị đái tháo đường tốt, kiểm soát tốt đường huyết. Giúp làm chậm quá trình biến chứng lên các dây thần kinh.
- Uống nhiều rượu tại sao bị tê ngón tay?
Bệnh nhân nghiện rượu làm viêm đa dây thần kinh. Hay do thiếu Vitamin B12. Uống rượu khiến cho đường tiêu hoá trở nên kém hấp thu Vitamin B12 hơn.
Bệnh từ thần kinh vùng cổ
- Bệnh gây chèn tuỷ sống
Các bệnh lý của tuỷ sống có thể gây tê đầu ngón tay do tổn thương của tuỷ sống hoặc do các cấu trúc xung quanh đè ép lên tuỷ sống.
Bệnh của tuỷ sống như: u tuỷ sống, u màng tuỷ chèn ép, viêm tuỷ sống.
Bệnh của các cấu trúc lân cận đè lên tuỷ sống như: hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoái hoá đốt sống cổ, gãy xương sống cổ, cốt hoá dây chằng vàng.
Bệnh lý của tuỷ sống nếu có tê tay, đặc biệt là yếu cơ tay chân. Là yếu tố chỉ điểm cần điều trị sớm để giải ép cho tuỷ. Nếu để lâu nguy cơ tổn thương tuỷ không hồi phục lại được.
- Bệnh gây chèn ép rễ thần kinh
Bệnh lý chèn ép rễ thần kinh cổ, tên được biết đến nhiều hơn là hội chứng đau vai gáy hay hội chứng vai cánh tay.
Các bệnh lý như trên ( thoái hoá đốt sống, thoát vị đĩa đệm, gãy xương sống) ngoài chèn ép tuỷ. Chúng có thể chèn ép vào rễ thần kinh gai sống. Làm cho các tín hiệu thần kinh đi từ các đầu ngón tay về tuỷ sống hay não bộ không toàn vẹn gây nên tê. Hoặc làm cho các tín hiệu từ não bộ hay tuỷ sống ra tay chân không toàn vẹn gây nên yếu cơ tay chân.
Hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay là cấu trúc được cấu tạo bởi các xương cổ tay và các dây chằng gân cơ. Thần kinh giữa đi qua cổ tay trong ống cổ tay.
Dây thần kinh giữa có vai trò dẫn truyền tín hiệu cảm giác và vận động của cổ tay, bàn ngón tay. Nên khi nó bị tổn thương thì các vùng này sẽ mất đi khả năng vận động và bị rối loạn cảm giác: tê, dị cảm.
Các công việc lao động hay sinh hoạt hằng ngày như ngồi bấm bàn phím máy tính, lái xe, hoạt động cổ tay thường xuyên. Làm chèn ép và tổn thương dây thần kinh giữa, gây nên tê các đầu ngón tay. Được gọi là hội chứng ống cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay thường chỉ khiến tê ở đầu ngón tay cái, ngón trỏ hoặc ngón giữa. Ít khi nó gây tê ở ngón đeo nhẫn và ngón út. Nếu có thì thường có tổn thương thần kinh trụ kèm theo. Hoặc là tổn thương của rễ thần kinh hay tuỷ sống ở cổ.
Hội chứng dây thần kinh trụ
Thần kinh trụ chi phối cảm giác các đầu ngón 4-5 ( ngón út và áp út). Chi phối vận động gấp cổ tay. Tổn thương gây tê các đầu ngón tay 4-5 có thể do tổn thương thần kinh trụ ở vùng cổ tay hoặc vùng khuỷ.
Chèn ép ở vùng cổ tay có Hội chứng ống Guyon (1). Chèn ép ở vùng khuỷu có Hội chứng đường hầm xương trụ (Cubital Tunnel Syndrome)(2)
Tổn thương não: đột quỵ hay tai biến
Các tổn thương ở mạch máu não như đột quỵ nhồi máu hay xuất huyết não, cũng thường gây tê các đầu ngón tay. Tuy nhiên, các triệu chứng khác thường rầm rộ hơn như: lơ mơ, hôn mê, liệt nửa người… Khiến cho người bệnh ít chú ý đến các triệu chứng tê hay dị cảm ngón tay, ngón chân.
Chẩn đoán hiện tượng tê ngón tay?
Dấu hiệu bị tê đầu ngón tay cái
Như đã giải thích ở trên, chi phối cho các ngón 1-2-3 ( ngón cái – ngón trỏ – ngón giữa) là thần kinh giữa. Nên khi tổn thương thần kinh giữa có thể bị tê các ngón này.
Các vị trí thần kinh giữa có thể bị tổn thương:
✅ Ở vùng cổ nơi xuất phát của rễ thần kinh: bệnh thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm cổ…
✅ Ở vùng nách: Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome)
✅ Vùng cánh tay: do trật khớp vai, gãy xương cánh tay, làm các mảnh xương chèn vô thần kinh hoặc làm đứt luôn sợi thần kinh.
✅ Ở vùng khuỷu: hội chứng cơ sấp tròn
✅ Vùng cổ tay: Hội chứng ống cổ tay do hẹp ống cổ tay, biến chứng của gãy xương quay cổ tay
Đau tê đầu ngón tay trỏ sau ngủ dậy?
Thông thường cách bệnh lý về thần kinh giữa liệt kê ở trên ít khi gây đau. Và thường tê sẽ tê cả ngón tay trỏ và ngón tay giữa, ngón cái. Nếu bị tê ngón tay trỏ mà kèm theo triệu chứng đau, đó có thể là biểu hiện của bệnh viêm khớp hay chấn thương ngón tay sau khi ngủ dây. Trong lúc ngủ vì ngủ say quá mà không nhận thức được chuyện ngón tay mình đang bị đè ép.
Cách chữa trị tê đầu ngón tay thế nào?
Tuỳ vào tình trạng bạn mắc phải, thường thì cần được bác sĩ khám và đo điện cơ, chụp phim Xquang, CT hay MRI. Sau khi có chẩn đoán chính xác thì mới có cách điều trị đúng đắn cho người bệnh.
Thông thường bác sĩ sẽ cho bạn các loại thuốc giảm triệu chứng đau thần kinh hoặc giảm tê. Giai đoạn nặng hơn sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật và kết hợp uống thuốc.
Các loại thuốc giảm đau, tê
Các loại thuốc giảm đau viêm như panadol, NSAID. Là các loại thuốc được sử dụng thường xuyên tại Việt Nam. Giúp giảm triệu chứng cho bệnh nhân, góp phần giảm tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa. Vì các loại thuốc này có thể dẫn đến suy gan, thận nếu không được dùng đúng cách và đúng liều lượng.
Nhóm thuốc Pregabalin: giúp giảm đau do nguyên nhân thần kinh. Giảm triệu chứng tê đầu ngón tay cho bệnh nhân.
Phẫu thuật
Cách điều trị này có thể sửa chữa trực tiếp thương tổn của dây thần kinh. Nhưng nó không phải là lựa chọn hàng đầu vì có nhiều nguy cơ: nhiễm trùng và chảy máu, biến chứng của phẫu thuật… Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật trong những tình huống mà phẫu thuật mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc không phẫu thuật.
Phẫu thuật có thể là:
- Phẫu thuật giải ép tuỷ, giải ép rễ thần kinh, cố định cột sống trong các tình huống chèn ép rễ và tuỷ sống.
- Giải ép thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay hay hội chứng cơ sấp tròn.
- Phẫu thuật dời chuyển dây thần kinh trụ từ phía sau ra trước. Nhằm giảm sức căng ép lên thần kinh.
- Phẫu thuật kết hợp xương, nối thần kinh khi mà xương gãy gây chèn ép hay làm đứt thần kinh
Cách chữa tê đầu ngón tay hiệu quả?
Bác sĩ có thể chỉ dùng thuốc cho người bệnh uống và tiếp tục theo dõi tái khám. Hoặc kết hợp vừa uống thuốc vừa phẫu thuật nhằm điều trị triệt để bệnh.
Cách chữa hiệu quả nhất là bệnh nhân cần thực hiện theo hướng dẫn của Bác sĩ. Không chỉ tuân thủ theo chế độ uống thuốc: đúng thuốc – đúng liều – đủ thời gian. Mà còn nên tuân theo các chỉ dẫn để tập chức năng phục hồi ngón tay và ngăn ngừa tái phát.
Phòng ngừa tê đầu ngón tay
Tránh các chấn thương khi lao động, làm việc:
- Giữ đúng và chính xác dụng cụ làm việc để tay không ở sai tư thế
- Sau một khoảng thời gian dài làm việc liên tục nên có khoảng nghỉ để tay được nghỉ ngơi.
- Các đầu ngón tay nếu tê đau thì nên dừng lại cho đến khi bớt hãy tiếp tục công việc.
- Tập vận động khởi động các ngón tay, cổ tay, bàn tay trước khi làm việc.
Sau giờ làm nên có các bài tập cho bàn ngón tay đỡ tê đau:
- Đan 2 bàn tay vào nhau và giữ cho các ngón tay duỗi trong khoảng 15 giây.
- Xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ 15 lần và làm theo chiều ngược lại
- Xoay vai theo chiều kim đồng hồ 15 lần và cũng đảo ngược lại.
Khám tê tay ở đâu?
DrQuynh – Bác sĩ Chuyên Khoa Chỉnh Hình Cơ Xương Khớp
Bác sĩ chuyên khoa sâu Chỉnh Hình Cơ Xương Khớp tại thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên phẫu thuật khớp gối, khớp vai và gãy xương tay chân. Điều trị bệnh lý gây tê, đau nhức xương khớp tay chân.
Điện thoại : 0936231699
Địa chỉ: Khám tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Hồng Đức, Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Phòng Khám Hoàn Mỹ Sài Gòn
Pingback: Quy trình kỹ thuật tiêm ngón tay lò xo ở bệnh viện /BS.Quỳnh